Hàng loạt các trang facebook và các website hướng dẫn cách để nạp một thẻ được gấp hai, ba, hoặc thậm chí được gấp 10 lần giá trị thẻ nạp ban đầu. Tại trang web hackthecao.xxx.com, chúng tôi đọc được lời rao đầy hấp dẫn: “Giờ đây bạn sẽ không còn phải lo lắng vấn đề này nữa, tài khoản của bạn sẽ đầy ắp tiền, thoải mái chuyện trò chỉ bằng 1 phút thao tác. Tôi xin giới thiệu luôn tôi đang là chuyên viên kỹ thuật, đã từng nằm trong nhóm xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông cho các nhà mạng nên tôi hiểu hệ thống nhà mạng làm việc như thế nào và làm sao để có thể hack vào hệ thống của họ. Tôi đã giúp tất cả mọi người thân, bạn bè tôi rồi, và giờ tôi muốn giúp thêm bạn nữa… ”.
Sau khi quảng cáo rất nhiều lời có cánh, trang web hướng dẫn: “Bên dưới là biểu mẫu, bạn chỉ cần nhập email của bạn, mã pin và mã seri thẻ cào của bạn. Chúng tôi sẽ kiểm tra mã này có hợp lệ hay không và gửi lại danh sách mã thẻ cào khác vào email của bạn sau khoảng 1-2 phút để bạn nạp tiền. Hệ thống chỉ nhận các thẻ điện thoại: Viettel, MobiFone, Vinaphone”.
Đúng theo chỉ dẫn, chúng tôi nhập vào đó seri của một thẻ nạp Viettel mệnh giá 20.000đ và chờ đợi suốt một ngày không thấy email gửi lại để thẻ mình được nhân lên gấp 3 lần số tiền như quảng cáo, mặc dù chủ blog nói sẽ gửi email trả lời chỉ trong 1-2 phút!
Đủ mọi chiêu lừa đảo
Để thực hiện hành vi lừa đảo, các đối tượng liên hệ với khách hàng bằng nhiều cách: mạo danh nhân viên của công ty gọi điện thoại hay nhắn tin trực tiếp đến khách hàng để dẫn dụ vào một website lừa đảo, tại đó chúng có thể dẫn dụ khách hàng tham gia một chương trình khuyến mãi (không có thực) nào đó với phần thưởng cực lớn rồi yêu cầu khách hàng nạp thẻ với số lượng lớn và chiếm đoạt số thẻ này. Một cách khác là thông qua các công cụ chat trực tuyến, đối tượng lừa đảo gửi các link lừa đảo đến người dùng và dụ dỗ họ click vào đó.
Ngoài những cái bẫy nhắm đến các đối tượng đã “được” lựa chọn kỹ càng này, bọn lừa đảo còn giăng hàng loạt cái bẫy “giữa đường” khác theo kiểu phần mềm hack thẻ, website hướng dẫn hack thẻ hay các website có tên miền và giao diện gần giống với website của các công ty cung cấp dịch vụ, sản phẩm.
Hiện nay các đối tượng lừa đảo trực tuyến thường tập trung lừa đảo người dùng của các công ty điện thoại di động và các công ty cung cấp dịch vụ nội dung số, dịch vụ game online trên mạng như Công ty FPT, VTC, VNG. Để đối phó với nạn lừa đảo online và hỗ trợ khách hàng của mình, hiện nay các công ty chủ yếu cũng chỉ có thể cảnh báo khách hàng và báo cáo tình trạng bị lừa đảo đến các cơ quan chức năng.
Các nhà mạng như Viettel, MobiFone, Vinaphone, các doanh nghiệp công nghệ thông tin lớn như VNG, FPT, VTC đều từng nhiều lần đưa ra cảnh báo cho khách hàng, tuy nhiên cứ cảnh báo website này, website khác lại mọc lên, cảnh báo thủ đoạn này, bọn lừa đảo lại có thủ đoạn mới, hoặc nhắm vào những người dùng mới. Với hơn 30 triệu người dùng Internet tại Việt Nam, việc chỉ các công ty đưa ra cảnh báo thật khó để ngăn chặn được nạn lừa đảo trực tuyến.
Ngoài ra, đối với các đối tượng lừa đảo, việc đăng ký và lập một website miễn phí có tên miền nước ngoài là rất đơn giản. Tên miền nước ngoài cũng giúp các đối tượng lừa đảo dễ trốn tránh việc điều tra của các cơ quan chức năng hơn, vì vậy những tên miền lừa đảo thường có đuôi .ws; .us hay thậm chí .com; .net. Ở những trường hợp bị lừa đảo kể trên, thông tin lừa đảo được đưa trên các mạng xã hội, trên các blog, mạng YouTube…