Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi

Tình trạng tội phạm lừa đảo trên không gian mạng (tội phạm sử dụng công nghệ cao) đã và đang diễn ra ngày càng phức tạp, tinh vi, với chiêu thức, thủ đoạn mới, khiến nhiều người sập bẫy.

Theo cơ quan công an, tội phạm mạng thường xuyên nắm bắt các xu hướng, sự kiện, các hoạt động mang tính thời sự, đánh vào tâm lý của nạn nhân để lừa đảo. Ngoài những thủ đoạn quen thuộc như: giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát hoặc kết bạn qua mạng xã hội để hứa hẹn tặng quà, lừa chuyển tiền..., hiện xuất hiện chiêu thức lừa cài đặt ứng dụng định danh điện tử (VNeID); giả mạo trang web tổ chức trại hè hoặc chiêu thức lấy lại tiền từ những vụ lừa đảo trước đó... để lừa đảo.

Lừa đảo trên không gian mạng ngày càng tinh vi

Thông tin từ Bộ Công an, thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn kẻ gian giả danh cơ quan công an gọi điện cho người dân hướng dẫn cài đặt ứng dụng VNeID, kích hoạt tài khoản định danh điện tử. Các đối tượng lợi dụng sự không hiểu biết của một số người dân, gọi điện thoại sau đó gửi đường link qua tin nhắn hoặc các ứng dụng chat trực tuyến như: Zalo, Facebook… hướng dẫn truy cập đường link để cài đặt phần mềm VNeID giả mạo có giao diện giống với ứng dụng thật. Khi người dân cài đặt ứng dụng giả mạo, các đối tượng sẽ kiểm soát được ứng dụng tài khoản ngân hàng trên điện thoại của người dân, sau đó thực hiện lệnh chuyển tiền để chiếm đoạt.

Không chỉ lợi dụng việc cài đặt ứng dụng VNeID, lợi dụng thời điểm nghỉ hè sắp đến, một số đối tượng còn lừa đảo bằng cách tổ chức trại hè để thu hút phụ huynh, học sinh tham gia.

Luôn đề cao ý thức cảnh giác

Thời gian qua, các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng công an, đã triển khai nhiều giải pháp nhằm tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng ngừa cho người dân. Việc tuyên truyền không chỉ thực hiện theo các cách thức truyền thống, mà đã có sự đổi mới nhằm thực hiện tuyên truyền phù hợp hơn. Theo đó, việc tuyên truyền được thực hiện theo 2 cấp. Thứ nhất là Bộ Thông tin và truyền thông đã nhắn tin vào từng tài khoản thuê bao di động của các cá nhân để tuyên truyền, cảnh báo cách thức lừa đảo. Thứ hai là tuyên truyền bằng nhiều mô hình khác nhau.

để phòng ngừa loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng thì công tác tuyên truyền vẫn rất quan trọng. Mỗi người dân, kể cả cán bộ, đảng viên, cần phải biết rằng, không có chuyện các cơ quan tố tụng: công an, viện kiểm sát, tòa án hay các cơ quan thuế, hải quan... lại làm việc với người dân qua điện thoại, qua tin nhắn Zalo; không có chuyện người dân bị cán bộ công an dọa sẽ khởi tố tội này, tội kia mà chỉ nói qua điện thoại. Đối với vấn đề tiền bạc, tài sản của người dân, cũng không có chuyện cơ quan này, cơ quan kia yêu cầu phải mở tài khoản để chuyển tiền vào, đưa tiền ra để kiểm tra.

Vấn đề bảo mật thông tin mạng của các cơ quan, đơn vị chưa được các cơ quan, cá nhân quan tâm. Đây là kẽ hở để các đối tượng tội phạm lợi dụng tấn công, khai thác thông tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đó, mỗi cán bộ, đảng viên, người dân phải hết sức cảnh giác trước các thủ đoạn của các đối tượng tội phạm.